Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho ngành hàng sen

Sen là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, ngành hàng sen đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, cây sen đang đối mặt với khó khăn do tỉ lệ sen bị thối ngó, thối dây, cháy lá… khá cao. Trước thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, quản lý khai thác, công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh triển khai mô hình “Quản lý dịch bệnh tổng hợp kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học để phòng ngừa bệnh thối ngó, thối dây, cháy lá… trên cây sen theo hướng an toàn”, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Image removed.

Bệnh chết dây, thối ngó khiến sen giảm năng suất

Được xem là thủ phủ của cây sen, tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng sen tại Đồng Tháp có sự sụt giảm mạnh về diện tích canh tác. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, quản lý khai thác, công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 1.265,4ha canh tác sen, chủ yếu là sen lấy hạt. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016-2019, diện tích canh tác sen của tỉnh bắt đầu giảm mạnh, chỉ còn khoảng 791,8 - 879,5ha. Nguyên nhân khiến diện tích canh tác sen có chiều hướng giảm mạnh là do loại cây trồng này bị dịch hại tấn công mức độ nặng và chưa có giải pháp điều trị dứt điểm. Một số bệnh hại phổ biến, khiến sen giảm năng suất là thối ngó, thối dây, cháy lá...

Theo phân tích từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, quản lý khai thác, công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh, tác nhân gây bệnh chủ yếu trên cây sen ở Đồng Tháp thời gian qua là do nấm Phytophthora, nấm Fusarium và vi khuẩn. Các loại nấm này có phạm vi ký chủ rộng, di chuyển được và có khả năng lưu tồn rất lâu trong đất. Do đó, những ruộng sen luân canh liên tục nhiều vụ dễ bị dịch bệnh tấn công hơn những ruộng sen được trồng vụ đầu tiên.

Nhằm giúp nông dân tìm ra phương pháp giải quyết tình trạng trên, góp phần hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh sen của Đồng Tháp theo hướng an toàn - bền vững, tháng 3/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, quản lý khai thác, công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh triển khai một số mô hình về “Quản lý dịch bệnh tổng hợp kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học để phòng ngừa bệnh thối ngó, thối dây, cháy lá... trên cây sen theo hướng an toàn”.

Mô hình được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, với quy mô 39ha. Trong mô hình, nông dân trồng sen sẽ được ngành nông nghiệp hướng dẫn áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp canh tác từ khâu làm đất, xử lý giống, kỹ thuật trồng, cách chăm sóc và kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học có chứa vi khuẩn Bacillus spp và nhiều nấm, vi khuẩn có lợi nhằm hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cây sen, góp phần phòng ngừa bệnh thối ngó, thối dây, cháy lá...

Ông Lê Văn Bo ngụ xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Sen thật sự là cây trồng tiềm năng lớn. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp để giải quyết dứt điểm các loại bệnh hại trên cây sen thì khả năng diện tích canh tác sẽ còn tiếp tục giảm. Đầu năm vừa rồi, tôi lỗ gần 200 triệu đồng do sen bị bệnh chết dây và thối ngó. Tôi rất mừng khi ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm và triển khai mô hình về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây sen. Tôi hy vọng mô hình này sẽ mang lại sự đột phá mới cho nông dân trồng sen quê mình”.

Sau hơn 6 tháng triển khai, các ruộng sen tham gia mô hình phát triển tốt, giảm đáng kể tỉ lệ mắc các bệnh như: thối ngó, thối dây, cháy lá... Theo tính toán của ngành chuyên môn, sau khi khấu trừ các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận trồng sen trong mô hình cao hơn khoảng 10% so với ruộng sản xuất truyền thống.

Ông Trần Văn Toàn - Phó trưởng Phòng Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp đánh giá, giải pháp trên giúp nông dân trồng sen giải quyết được bài toán về quản lý dịch hại trên cây sen, từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế từ cây sen. Đồng thời thông qua việc hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp sinh học trong điều trị bệnh cho cây sen góp phần hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng; hạn chế tính kháng thuốc của dịch hại. Mô hình đang là hướng đi triển vọng giúp thúc đẩy các mô hình về du lịch nông nghiệp từ sen, sản xuất nông nghiệp xanh - bền vững...

MỸ LÝ

Nguồn
https://baodongthap.vn/

Tin liên quan