Nông dân Kenya tham gia một dự án do chính phủ hỗ trợ về trồng cây bền vững thay thế cho cây thuốc lá. Vụ thu hoạch đầu tiên của họ đạt gần 135 tấn đậu có hàm lượng sắt cao.
Nông nghiệp bền vững: Nông dân Kenya đã bán 135 tấn đậu theo dự án thu mua của Chương trình Lương thực thế giới. (Nguồn: DW)
Khoảng 100 nông dân Kenya tham gia dự án thử nghiệm nhằm chuyển đổi từ cây thuốc lá sang canh tác cây lương thực. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã tài trợ cho dự án và giúp đào tạo lại nông dân.
Nông dân Kenya có cơ hội chuyển đổi những cánh đồng thuốc lá sang nhiều loại cây trồng khác, trong đó có ngô và khoai lang.
Thư ký Nội các Y tế Kenya, ông Mutahi Kagwe cho biết: “Dự án ở khu vực Migori là một bước chuyển lớn nhằm hướng tới một quốc gia khỏe mạnh và Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ những dự án như vậy”.
Hiểm họa sức khỏe và giáo dục
Trồng cây thuốc lá đóng góp chưa đầy 1% cho sự phát triển kinh tế của Kenya.
WHO cho biết, những nông dân trồng thuốc lá phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim mạch và hô hấp (hơn 20 loại), ung thư và nhiều biểu hiện sức khỏe suy nhược khác.
Ngoài ra, trong quá trình rửa cây thuốc lá bằng tay không, người nông dân để da tiếp xúc trực tiếp với chất nicotin gây nghiện cao.
WHO cũng báo cáo, có hơn 6.000 người Kenya tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm. Theo số liệu của một viện nghiên cứu y tế công cộng, có khoảng 8 triệu người thiệt mạng hàng năm trên toàn cầu, chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vốn "là mục tiêu chính của sự can thiệp và tiếp thị mạnh mẽ của ngành công nghiệp thuốc lá".
Phần lớn nông dân cho biết, họ rất vui khi tránh xa những mối nguy hại cho sức khỏe như vậy và hướng tới canh tác ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh vấn đề sức khỏe, việc con em nông dân bỏ học hàng loạt cũng là một mối quan tâm lớn đối với chính phủ Kenya và các cơ quan của Liên hợp quốc.
Một nông dân ở Kuria cho biết: “Rất nhiều học sinh bỏ học do duy trì trồng cây thuốc lá. Các em rời trường học vì biết rằng có thể kiếm tiền từ thuốc lá”.
Dự án gia tăng giá trị
Các cơ quan của Liên hợp quốc cùng với chính phủ Kenya đã khởi động Dự án Trang trại không thuốc lá ở hạt Migori để giảm thiểu những vấn đề trên. Đây là mô hình hợp tác đầu tiên như vậy trên thế giới.
Theo WHO, thông qua dự án, sức khỏe của nông dân được cải thiện, số lượng trẻ em đi học tăng lên và các loại cây trồng thay thế thuốc lá được chú trọng.
Sức khỏe của nông dân là mối quan tâm lớn đối với chính phủ Kenya và các cơ quan của Liên hợp quốc. (Nguồn: DW)
Cho đến nay, nông dân Kenya đã bán 135 tấn đậu cho WFP trong khuôn khổ chương trình thu mua của tổ chức này.
Ông Simon Cammelbeeck, Giám đốc điều hành của Farm to Market Alliance, một đối tác khác trong dự án, cho biết: “WFP đã cung cấp thị trường, tạo cơ hội phát triển các loại đậu có hàm lượng sắt cao, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững”.
Đậu được chứng minh là chứa nhiều sắt, có thể giúp khắc phục nhiều vấn đề về sức khỏe và phát triển ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
Ông Husna Mubarak, cán bộ dự án của FAO cho biết: “Dự án được thiết kế để đảm bảo vận hành toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản xuất cái mà chúng tôi gọi là nguồn thực phẩm thay thế cho đến việc đưa thực phẩm lên bàn ăn. Quan trọng nhất là sự hỗ trợ kỹ thuật, từ cách xới đất, gieo hạt và quan trọng nhất là đào tạo nâng cao năng lực để đảm bảo rằng nông dân có thể gia tăng giá trị cho nó, đóng gói và mang nó ra ngoài thị trường.
Kenya đã phê chuẩn Công ước khung của WHO về Kiểm soát thuốc lá vào năm 2004 và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thí điểm dự án thay thế thuốc lá.
Bà Elizabeth Robi, trợ lý trưởng hạt Sakuri phía Đông Kuria cho biết:“Chúng tôi đang khuyến khích nông dân trồng các loại cây khác tạo nguồn thu nhập. Đa số nông dân đã chuyển sang trồng cà phê".
Chính phủ Kenya và các cơ quan của Liên hợp quốc có kế hoạch nhân rộng dự án thử nghiệm này dọc theo khu vực chuyên trồng thuốc lá ở Tây Kuria.