Ngày 10/5/2025, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị cũng đồng thời triển khai Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Đỗ Đức Duy và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, quy tụ khoảng 1.200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan của Quốc hội, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI)...
Quang cảnh Hội nghị
Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu: trong 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị thì có các nội dung ưu tiên như khắc phục điểm nghẽn về thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi ngay những quy định để tháo gỡ, cắt giảm triệt để các điều kiện, thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, sản xuất, thương mại hoá các sản phẩm. Không để chính sách làm chậm bước tiến của đổi mới sáng tạo; Thay đổi toàn diện cách đặt hàng, giao nhiệm vụ KHCN hằng năm, trong đó nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất thực tiễn, cung cấp các giải pháp KHCN, các sản phẩm phục vụ sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị của sản phẩm.
Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta đã có Nghị quyết đúng - rõ - mạnh từ Bộ Chính trị, đã có kế hoạch hành động chi tiết từ Bộ, đã có sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia. Điều còn lại là ý chí hành động, sự kiên định, quyết tâm đổi mới trong triển khai thực hiện”. Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải thực hiện những nội dung chi tiết của kế hoạch ngay sau Hội nghị, nâng cao tinh thần chủ động của tất cả đơn vị thuộc Bộ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại Hội nghị
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện – cùng lãnh đạo và cán bộ các Ban, các đơn vị thuộc VAAS đã tham dự hội nghị.
Tại không gian của Hội nghị, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm khoa học tiêu biểu của Viện, bao gồm các giống lúa, giống rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, giống hoa, giống nấm, giống dâu tằm… Đặc biệt, sự xuất hiện của những hạt sen từng được đưa vào không gian vũ trụ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các đại biểu và khách quốc tế.
GS .TS Nguyễn Hồng Sơn giới thiệu sản phẩm của VAAS với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy
Cũng tại không gian trừng bày sản phẩm của VAAS, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường bày tỏ sự phấn khởi và đánh giá cao những thành tựu nghiên cứu của Viện. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, Viện sẽ tập trung lựa chọn một số lĩnh vực tiềm năng, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị ngành hàng và đóng góp thiết thực vào sự phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Thay mặt các nhà khoa học của Viện, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn trân trọng cảm ơn sự quan tâm, động viên của Bộ trưởng và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho các nhà khoa học cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nước nhà.
Tại phiên thảo luận Chuyên đề của Tiêu ban 1 về Trồng trọt & Bảo vệ thực vật; Lâm nghiệp và Kiểm lâm; Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nêu 6 nội dung góp ý trọng tâm cần triển khai thực hiện gồm:
1/ Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật di truyền hiện đại để lai, tạo các giống cây trồng chất lượng; chống chịu sâu bệnh; thích ứng với BĐKH (điều kiện bất thuận hạn, mặn, phèn, bão lũ...); phù hợp với cơ giới hoá và chế biến,
2/ Nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ chính xác để tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng nhất, ổn định; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV; giảm thiểu tác động môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng BĐKH.
3/ Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tổn thất trước và sau thu hoạch; kỹ thuật kéo dài thời gian bảo quản, chế biến sâu nông sản; giải pháp cơ giới hoá đồng bộ (đặc biệt đối với các nhóm cây trồng chuyển đổi).
4/ Nghiên cứu giải pháp quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên đất, nước; bảo vệ và ứng dụng đa dạng sinh học để phát triển các sản phẩm sinh học thay thế sử dụng hoá chất.
5/ Nghiên cứu hiệu quả và tác động của các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; định hướng quy hoạch không gian cho các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, canh tác hữu cơ và phát triển xanh.
6/ Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) trong quản lý dữ liệu tài nguyên sinh vật; trong phát triển và ứng dụng công nghệ chính xác trong điều tra, dự tính dự báo, chẩn đoán sinh vật gây hại và điều chỉnh cân bằng dinh dưỡng cho cây trồng.
Thực hiện: Ban Thông tin & Đào tạo, Viện VAAS