Vì nền “nông nghiệp xanh”

Tư duy làm “nông nghiệp xanh” đang thổi làn gió mới vào khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn Thanh Hóa, đem đến hy vọng cho đồng đất xứ Thanh.

Image removed.

Ảnh minh họa.

Nông nghiệp xanh được hiểu là sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, trong đó chú trọng việc hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Hướng sản xuất này không chỉ đem lại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, an toàn trong tiêu dùng, mà còn được xác định là một trong những giải pháp để lấy lại sự cân bằng môi trường sinh thái, cải tạo đồng đất sau nhiều năm bị tác động tiêu cực bởi tư duy sản xuất thực dụng. Tuy nhiên, để “nông nghiệp xanh” trở nên bền vững, những “cánh đồng xanh” được nhân lên, chỉ mình sự vào cuộc của những chủ thể sản xuất là chưa đủ. Vấn đề được xem là “rào cản” hiện nay trong sản xuất “nông nghiệp xanh” là chi phí sản xuất và thị trường.

Rất nhiều nông dân làm “nông nghiệp xanh” tỏ ra hào hứng với con đường đã chọn, nhưng họ thường than vãn là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Một số người khác thì cho rằng, vướng mắc mà họ gặp phải là đầu ra cho nông sản. Dù có những hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhưng việc bao tiêu sản phẩm ở nhiều thời điểm vẫn không như mong muốn. “Nông sản xanh” vẫn phải lặng lẽ bày bán ở những thị trường tự phát, chấp nhận sự so đo, dè bỉu, bị đánh đồng và ép giá, thậm chí còn tiêu thụ chậm hơn nông sản khác. Ở phương diện khác, một số sản phẩm “đội lốt” sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với mức giá rẻ đang tìm đủ cách tiếp cận người tiêu dùng dẫn đến việc cạnh tranh không bình đẳng.

Một số người khác lại cho rằng, việc vay vốn đối với dự án nông nghiệp hữu cơ dù có những ưu đãi, nhưng nhìn chung kinh phí đầu tư lớn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi khó có thể đáp ứng được đầy đủ và kịp thời, dẫn đến nhiều cánh đồng phải đầu tư dở dang. Thậm chí có người sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn trà trộn chế phẩm không rõ nguồn gốc cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức.

Thực tế đang đặt ra các yêu cầu đó là, bên cạnh cơ chế thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ đã được ban hành, thì ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành khoa học và công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giúp làm lành mạnh hóa thị trường, để nông dân yên tâm với việc sản xuất “nông nghiệp xanh”. Cùng với đó nâng cao hơn trách nhiệm của nông dân, khi đã đồng ý bước vào “cuộc chơi” thì phải chấp hành nghiêm các quy định, không vì lợi ích ngắn hạn hoặc những khó khăn trước mắt mà tùy tiện trong ứng xử làm ảnh hưởng đến lợi ích chung. Và một điều rất cần nữa, đó là các cơ quan chức năng cần phải tạo thêm những kênh dẫn vốn hỗ trợ nông dân có thêm điều kiện gắn bó lâu dài với “nông nghiệp xanh”.

Thái Minh

Nguồn
baothanhhoa.vn

Tin liên quan