Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka đến Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak, ngày 5/5/2025, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp và làm việc giữa Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Sri Lanka, đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Giám đốc, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã cùng với đại diện Cục Nông nghiệp Sri Lanka ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Việc ký biên bản dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước đã đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác nông nghiệp giữa hai quốc gia.
Biên bản ghi nhớ giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Cục Nông nghiệp Sri Lanka vừa hiện thực hoá 28 nội dung trong Tuyên bố chung của chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Sri Lanka tới Việt Nam, vừa chi tiết hoá những nội dung trong chương trình làm việc nhân chuyến thăm Sri Lanka năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (nay là Phó chủ tịch Quốc hội).
Quang cảnh buổi ký kết tại Phủ Chủ tịch
Trước sự kiện ký kết Biên bản ghi nhớ lần này, Cục Nông nghiệp Sri Lanka, đại sứ quán Sri Lanka tại Việt Nam và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thảo luận và xây dựng biên bản ghi nhớ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Các nội dung hợp tác tập trung vào trao đổi nguồn gen giữa hai bên phục vụ phát triển các loại cây trồng có thế mạnh; Hợp tác nghiên cứu trong chọn tạo và cải thiện một số giống cây trồng tiềm năng; Hợp tác trong ứng dụng và phát triển các biện pháp canh tác nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững và chia sẻ thông tin về một số kỹ thuật sau thu hoạch.
Đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Cục Nông nghiệp Sri Lanka ký Biên bản ghi nhớ
Việc ký Biên bản ghi nhớ được thực hiện dưới sự chứng kiến của
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Sri Lanka
Anura Kumara Dissanayaka
Một trong 28 nội dung của Tuyên bố chung Việt Nam – Sri Lanka, Tổng thống Dissanayaka ca ngợi sự phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam và bày tỏ quan tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, sản xuất, năng lượng tái tạo, linh kiện điện tử và ô tô, bất động sản, khách sạn, dược phẩm, viễn thông, logistics, cơ sở hạ tầng và cơ sở hạ tầng công nghiệp.
Thực hiện: Ban Thông tin & Đào tạo - VAAS