Yên Bái quyết tâm đưa nông nghiệp cất cánh

Với lợi thế về rừng tự nhiên cùng nhiều nông sản đã có chỗ đứng trên thị trường, Yên Bái đang thực hiện các bước chuyển mình mạnh mẽ để đưa ngành nông nghiệp ngày càng khởi sắc, giúp nông dân từng bước thoát nghèo.

Image removed.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình HTX Dâu tằm tơ Trúc Đình (Việt Thành, Trấn Yên, Yên Bái) tháng 6/2024

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế Yên Bái

Từng có khoảng thời gian, bưởi Đại Minh chỉ là loại quả thông thường ở huyện Yên Bình. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác. Từ khi bưởi Đại Minh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, hàng trăm hộ dân trong vùng đã chuyển đổi phương thức trồng, chăm sóc, thu hái bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia chuỗi sản xuất hữu cơ, cây bưởi sinh trưởng tốt hơn, quả đẹp và tươi lâu hơn, nên đầu ra cho sản phẩm được cải thiện đáng kể.

Anh Nguyễn Trường Giang, Giám đốc HTX Đặc sản bưởi Đại Minh cho biết: "HTX có 12 thành viên, sản phẩm bưởi của HTX đạt chứng nhận OCOP. Trước khi xuất bán cho các siêu thị, thương lái, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, phân loại và dán nhãn”.

Chặng đường phát triển của bưởi Đại Minh cũng chính là chặng đường phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây. Thay vì áp dụng cách làm nông nghiệp theo lối truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, Yên Bái đã chuyển dịch sang các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành những vùng trồng quy mô lớn, như vùng quế trên 80.000 ha, vùng quả Sơn Tra trên 9.200 ha, vùng cây ăn quả gần 10.000 ha, vùng chè 7.400 ha, vùng sắn trên 8.600 ha, vùng măng tre Bát Độ trên 5.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm trên 1.100 ha…

Bên cạnh bưởi Đại Minh, tỉnh đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu tốt trên thị trường, như quế Văn Yên, cam Văn Chấn, cam Lục Yên, gạo Bạch Hà, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, cá hồ Thác Bà...

Xác định nông nghiệp là trụ đỡ để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Yên Bái ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 5 - 6%/năm, đứng ở tốp đầu các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch đúng hướng, đạt bình quân trên 23% trong GRDP của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt 5,1%, đứng thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Những con số này tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong chiến lược ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Yên Bái.

Đến nay, toàn tỉnh có 247 sản phẩm OCOP; cấp được 87 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; trên 27.424 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận quế hữu cơ phục vụ xuất khẩu. 100% sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trên các trang thương mại điện tử trong nước và quốc tế..

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp bền vững

Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó, "người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, hướng tới mục tiêu "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh hướng tới mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, theo kịp xu hướng và nhu cầu của thị trường. Phát huy lợi thế so sánh, sự đa dạng các vùng sinh thái của tỉnh, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút các dự án lâm nghiệp đa mục tiêu, phát huy thế mạnh chế biến gỗ rừng trồng, các dự án phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch...

“Yên Bái có tiềm năng rất lớn về phát triển nông, lâm nghiệp, với diện tích rừng tự nhiên khoảng 215.000 ha, rừng trồng khoảng 248.000 ha, sản lượng khai thác hàng năm trên 757.400 m3 gỗ các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho các doanh nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm...”, ông Hoàng Hữu Độ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết.

Tỉnh Yên Bái cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản gắn với các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh của tỉnh.

Tỉnh cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP trong quá trình mở rộng thị trường, đưa hàng hóa vào các chuỗi bán lẻ, các nền tảng thương mại điện tử, tham gia các hội chợ kết nối cung cấp, trưng bày sản phẩm. “Tuy nhiên, chúng tôi xác định, không phát triển sản phẩm OCOP tràn lan, chạy theo phong trào, thành tích, mà hướng tới tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái khẳng định.

 

Nguồn
https://baodautu.vn/

Tin liên quan