Những sản phẩm nông nghiệp sạch ở Bình Dương đang dần chiếm lĩnh thị trường, giúp bà con nông dân đổi đời. Đây là thành quả ngọt ngào từ mô hình kinh tế tập thể, gắn liền với ứng dụng công nghệ cao
Anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương là cử nhân kinh tế, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Sau khi ra trường năm 2013, thay vì lựa chọn làm việc theo ngành nghề đã được đào tạo, anh Sơn lại chọn khởi nghiệp với nghề nông ngay trên chính quê hương của mình.
Theo đuổi nông nghiệp sạch
Năm 2014, anh Sơn thành lập trang trại Nam An Farm trên diện tích hơn 30.000 m2 để trồng các loại rau sạch, một thời gian dài, mô hình rau sạch không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2017, chủ trang trại sinh năm 1991 này quyết định chuyển sang nuôi heo rừng lai cũng bằng phương pháp hữu cơ.
Quyết tâm theo đuổi nông nghiệp sạch, anh Sơn đang từng bước tận hưởng thành quả ngọt ngào, khi mô hình nuôi heo rừng lai đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh. "Heo rừng lai ở trang trại chỉ sử dụng thức ăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp, như các loại rau, cây chuối băm nhuyễn trộn với cám là bắp, đậu nành được ủ lên men, nếu heo đau bụng thì cho uống các loại lá cây thiên nhiên như lá bọ xít hay lá ổi. Vì áp dụng phương pháp nuôi hữu cơ, thức ăn chăn nuôi không sử dụng chất tăng trọng, không sử dụng kháng sinh nên thời gian nuôi heo dài hơn (khoảng 1 - 2 tháng) so với nuôi công nghiệp. Thế nhưng, thịt heo lại ngon hơn và bán được giá cao hơn" - anh Sơn đúc kết.
Hiện trang trại heo của anh Sơn có khoảng 10.000 con, sản phẩm được bán chủ yếu ở thị trường TP HCM và vùng lân cận. So với giá trên thị trường, thịt heo rừng lai từ trang trại của anh Sơn cao hơn từ 10%-20%. Anh tiết lộ để cho ra giống heo rừng lai F1 làm con giống nuôi thương phẩm, anh cho lai tạo giống heo rừng với các giống heo nhập ngoại có năng suất cao.
Hiện nay, với 2 trại chăn nuôi heo hữu cơ ở xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), trang trại Nam An Farm doanh thu khoảng 70 tỉ đồng/năm. Trang trại đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 20 triệu đồng/người/tháng.
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Cũng đam mê với nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Hồng Quyết đã từ bỏ công việc của một kỹ sư điện tử, quản lý dây chuyền sản xuất với hàng chục công nhân và mức lương đáng mơ ước ở TP HCM để xây dựng thành công thương hiệu HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long do anh Quyết làm chủ đạt doanh thu hàng chục tỉ đồng.
Anh Quyết cũng quan niệm "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", do vậy sau nhiều lần trồng dưa lưới thất bại, anh đã nghĩ ngay đến câu chuyện liên kết nông dân trong sản xuất và tiêu thụ. Anh thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long và khuyến khích bà con trồng dưa lưới theo mô hình của HTX, đồng thời bao tiêu sản phẩm.