Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Hồng Ngự triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Image removed.

Thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện Hồng Ngự triển khai nhiều mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường. Ảnh: Nhật Nam

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự, những tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện hơn 26 ngàn ha, đạt 100% kế hoạch (gồm lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày). Trong đó, trên cây lúa thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ được 3.179/3.000ha, đạt 106% so với kế hoạch.

Thời gian qua, huyện Hồng Ngự triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiếp tục được mở rộng như: mô hình 2 lúa - cá đồng, cá tự nhiên (Tiểu dự án ICSRL Đồng Tháp) tại xã Thường Lạc với diện tích thực hiện 15ha/6 hộ tham gia; mô hình 2 lúa - cá đồng, cá tự nhiên diện tích 3,2ha tại ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A; mô hình sản xuất lúa an toàn (áp dụng IPM - phòng trừ dịch hại tổng hợp và kỹ thuật “1 phải 5 giảm”) diện tích 1ha tại ấp 3, xã Thường Phước 2; mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường vụ hè thu năm 2022 với diện tích 10,5ha/10 hộ tham gia, giống ST25 tại xã Thường Phước 2 và xã Thường Lạc...

Image removed.

Mô hình sản xuất rau, củ quả theo hướng an toàn của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận

Đầu năm đến nay, huyện cũng tập trung thực hiện chuyển đổi trồng cây hàng năm (hoa màu) trên đất trồng lúa là 1.038ha, diện tích chuyển đổi trồng cây ăn trái trên đất trồng lúa và đất vườn tạp là 22,48ha (trên đất lúa 12,03ha; trên đất vườn tạp 10,45ha).

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, huyện có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; riêng 2 xã Long Khánh A, Long Khánh B kết quả kiểm tra, rà soát cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, còn xã Thường Thới Hậu A đạt 15/19 tiêu chí.

Để thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân trên địa bàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đã chủ động liên kết với nhau, thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận với 82 thành viên chuyên cung ứng các sản phẩm rau, củ, quả, gạo cho thị trường. Đến nay, sản phẩm rau, củ quả của hợp tác xã đã có mặt tại 9 cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh với sản lượng khoảng 35 tấn rau, củ quả, gạo/tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận, thời gian qua, việc sản xuất của đơn vị rất thuận lợi, đáp ứng được những đơn hàng lớn cho khách hàng, từng bước xây dựng được uy tín, thương hiệu và trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều người biết đến. Với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, đơn vị đã sản xuất theo hướng an toàn VietGAP cho sản phẩm rau, củ, quả và tiếp tục hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chương trình OCOP nhằm tập trung mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra những sản phẩm chủ lực của địa phương có sức cạnh tranh. Đồng thời tăng cường số lượng thành viên tham gia, tạo sự liên kết bền vững, mang lại hiệu quả trong sản xuất.

Image removed.

Nông dân trên địa bàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả cao

Ông Nguyễn Hoàng Nhung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện sẽ hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các ngành hàng chủ lực có thế mạnh nhằm quảng bá sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ; duy trì thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới; tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Chúng tôi cũng phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); gắn kết chặt chẽ việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình khởi nghiệp, OCOP với xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra những đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân...”.

Nhật Nam

Nguồn
baodongthap.vn

Tin liên quan