Tỉnh Đắk Nông chú trọng phát triển các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại. Từ đó, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản.
Những năm qua, các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp như kinh tế hộ, trang trại, HTX, doanh nghiệp... luôn được củng cố và không ngừng phát triển ở Đắk Nông.
Các đơn vị, HTX đã tích cực triển khai các giải pháp chế biến sâu, liên kết đầu ra, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản, đáp ứng thị trường.
Nhiều nông dân xã Nâm N'Jang (Đắk Song) đã tham gia các HTX để sản xuất hồ tiêu bền vững
Trước đây, nhiều nông dân trồng cà phê ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) gặp rất nhiều khó khăn cho đầu ra sản phẩm. Cà phê sau thu hoạch chủ yếu phơi khô, xay xát rồi bán cho tư thương, đại lý. Do đó, đầu ra không ổn định.
Nhận thấy cách làm truyền thống không hiệu quả, năm 2014, anh Trần Văn Phú, xã Đắk Ru, bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao.
Đến năm 2020, sau khi thành công, anh cùng một số người thành lập HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka. HTX do anh Phú làm giám đốc, có mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm cà phê robusta của địa phương.
Anh Phú cho biết, khi tham giam sản xuất cà phê chất lượng cao, nông dân phải tuân thủ các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế một cách nghiêm ngặt. Mỗi vụ, người trồng chia ra thành nhiều đợt thu hoạch, bảo đảm đạt tỷ lệ quả chín trên 90%.
Cách làm này tuy mất nhiều công hơn, nhưng bù lại, sản phẩm được HTX thu mua với giá cao hơn so với thị trường. Hiện nay, sản phẩm cà phê của HTX được Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới đánh giá cao, đạt từ 80 – 90 điểm theo thang điểm của Viện Chất lượng cà phê CQI.
HTX đã đầu tư xây dựng hơn 2.000m2 nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến cà phê, trong đó có 800m2 nhà kính. HTX đầu tư máy móc chế biến cà phê đặc sản. Sản phẩm cà phê bột của HTX đạt OCOP hạng 3 sao.
Tương tự, thời gian qua, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái (Krông Nô) đã triển khai Đề án “Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị”.
Đề án được triển khai trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2021 đến năm 2023. Đề án có quy mô 10 ha, với 10 hộ tham gia. Ngoài hỗ trợ nông dân về vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, Đề án còn triển khai một số giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Các hộ tham gia Đề án triển khai sản xuất cà phê theo phương pháp hữu cơ tại 2 xã Tân Thành và Nâm Nung. Vụ vừa qua, giá trị cà phê của các hộ tăng lên 11% so với trước. Sản phẩm cà phê của bà con được HTX bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 25 - 30%.
Sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại HTX Sản xuất TM - DV Bình Minh, xã Ea Pô (Cư Jút)
Theo Sở NN – PTNT, thời gia qua, các hoạt động tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được tỉnh rất quan tâm. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất căn bản phù hợp với điều kiện nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, giúp đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của địa phương.
Đến nay, Đắk Nông đã có 64 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Trong đó, có 8 sản phẩm, với 9.563 hộ gia đình tham gia, chiếm 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương…
Qua đó, góp phần đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại, quả bá thương hiệu, nhãn hiệu, thúc đẩy đổi mới, phát triển sản xuất các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.