Trong hành trình phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, đưa Sơn La trở thành “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước, hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp không nhỏ; là người bạn đồng hành, là cầu nối cho những chủ trương, chính sách, theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
Ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó phần lớn bà con dựa vào nông nghiệp như Sơn La, đội ngũ những người làm công tác khuyến nông đã có mặt trên khắp các bản làng, đến từng nương rẫy... để “cầm tay chỉ việc” cho nông dân.
“Cán bộ khuyến nông về hướng dẫn gia đình cách trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp; trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cách ủ phân, thức ăn cho lợn, trâu, bò... hỗ trợ gia đình, giúp bà con phát triển kinh tế”, anh Điêu Chính Mai, nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết.
Hệ thống khuyến nông đã trở thành người bạn đồng hành, là cầu nối cho những chủ trương, chính sách, theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
Thành lập từ ngày 11/5/1994 theo quyết định của UBND tỉnh Sơn La, Trung tâm khuyến nông Sơn La đảm nhiệm vai trò chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Đồng hành với bà con từ những năm tháng thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tư duy, cách làm, bà Nguyễn Thị Nhàn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La chia sẻ, trước đây, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác khuyến nông rất thiếu thốn, bất cập...
Hoạt động khuyến nông đã góp phần xây dựng và phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Địa bàn hoạt động của khuyến nông rất rộng, chủ yếu ở cơ sở, địa hình miền núi Sơn La phức tạp, rất khó khăn cho hoạt động khuyến nông. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, yêu nghề, yêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đội ngũ cán bộ khuyến nông Sơn La đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của bà con nông dân các dân tộc Sơn La”, bà Nguyễn Thị Nhàn nói.
Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh miền núi Sơn La đã tổ chức trên 37.700 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, thủy sản, khuyến công... cho hơn 1,5 triệu lượt nông dân. Đồng hành với nông dân xây dựng hơn 2.800 công trình biogas; tích cực hướng dẫn các hộ nông dân xây dựng trên 2.500 điểm mô hình khuyến nông tự nguyện không có hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho gần 6.000 hộ tham gia...
Nhiều mô hình trồng mận hậu, xoài ghép, nhãn ghép... cho doanh thu trung bình trên 220 triệu đồng/ha.
“Sơn La hiện nay đã trở thành hiện tượng trong phát triển, chuyển đổi cơ cấu. Trước đây chúng ta chỉ sản xuất những cây trồng ngắn ngày như cây ngô, đậu tương... Nhưng những năm gần đây, trên những nương dốc chúng ta đã chuyển đổi thành công, ngoạn mục sang nhiều loại cây ăn quả có giá trị. Trong đó, phải nói là có vai trò của lực lượng khuyến nông, đã đồng hành với các chính sách, chủ trương của tỉnh; biến những kế hoạch, chủ trương, chính sách của tỉnh thành những sản phẩm rất cụ thể”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá.
Hoạt động khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu nông sản; đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương, phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Các sản phẩm nông sản Sơn La được quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ rộng khắp.
Nhiều mô hình khuyến nông sản xuất các sản phẩm nông sản, thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng bơ, thanh long, nhãn ghép, mận hậu, xoài ghép... cho doanh thu trung bình trên 220 triệu đồng/ha; các mô hình trồng hồng giòn, na, dâu tây cho doanh thu trung bình từ 300 đến 400 triệu đồng/ha...
Theo ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, hệ thống khuyến nông đang triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn: “Khuyến nông Sơn La tiếp tục đổi mới, củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông, nhất là khuyến nông ở cơ sở; gắn khuyến nông cơ sở với mô hình của tổ khuyến nông cộng đồng. Thứ hai là khuyến nông phải thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đáp ứng 4 thay đổi mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nói, đó là "thay đổi tư duy khuyến nông, thay đổi cuộc sống nông dân, thay đổi đời sống nông thôn và thay đổi nông nghiệp đất nước".
Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc