Việc hiểu chưa đúng, chưa đủ về du lịch nông thôn không chỉ khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ người dân, HTX phát triển mô hình này mà còn khiến quá trình phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam bị kéo dài với nhiều khó khăn.
Khi được hỏi anh chị hiểu du lịch nông thôn là gì, ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông – Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết đó là hoạt động trải nghiệm ở nông thôn hoặc trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn.
Du lịch nông thôn để đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch?
Còn theo ông Nguyễn Văn Bé, thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi), du lịch nông thôn là tất cả các hoạt động du lịch bao gồm, tham quan, trải nghiệm, lưu trú, nghỉ dưỡng, thưởng thức đặc sản vùng miền, mua sắm… diễn ra tại nông thôn.
Có thể thấy, có rất nhiều các ý hiểu về du lịch nông thôn nhưng mang ý chung đó là hoạt động trải nghiệm ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách hiểu này chỉ đúng khi đối tượng hiểu là những du khách. Còn đối với những nông dân, HTX là những người làm du lịch chủ động thì cách hiểu này chưa đủ.
Thực tế, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh thành sẽ có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Và để có được điều này, cơ quan quản lý cũng xác định vai trò quan trọng của các HTX trong phát triển du lịch nông thôn.
Ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần tích cực phối hợp để có những quy định, chính sách hỗ trợ người dân, HTX phát triển du lịch nông thôn một cách thuận lợi.
Cụ thể là khi phát triển liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong chuỗi hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, người nông dân vừa là người đưa tư liệu sản xuất như đất đai, nông sản, trang trại… của mình tham gia du lịch vừa là người trực tiếp phục vụ du khách. Nhưng có một điều là người dân là ở vị trí đầu của chuỗi du lịch nông thôn vừa thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nên dễ bị động hoặc chịu phần thiệt trong việc đảm bảo thu nhập trong liên kết với doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, muốn phát triển du lịch nông thôn hiệu quả, vai trò của các HTX được các cơ quan quản lý khẳng định là rất lớn.
HTX không chỉ hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp du lịch mà còn đảm bảo thu nhập của thành viên, nông dân trong chuỗi từ đó nâng cao vị thế của người nông dân và gia tăng giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên việc phát triển du lịch nông thôn của người dân, HTX hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa được thuận lợi. Điều này một phần là do việc hiểu chưa đúng, chưa đủ về du lịch nông thôn của cả các chủ thể và cơ quản quản lý.
Ts Bùi Lan Hương, chuyên gia du lịch nông thôn, cho rằng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… đã triển khai du lịch nông thôn thành công vì có sự ủng hộ của nhà nước. Các nước này ngoài chủ trương của nhà nước còn ban hành các chính sách, những hướng dẫn cụ thể, có những chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân, HTX để họ thực hiện du lịch nông thôn.
Còn ở Việt Nam, dù đã có quyết định 922/QĐ-TTg nhưng thực chất, chính sách hỗ trợ cho chương trình du lịch nông thôn trong đó có vốn, quy định, hướng dẫn cụ thể để người dân, HTX thực hiện vẫn bị bỏ ngỏ. Đây cũng chính là sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và các quốc gia khác khi thực hiện du lịch nông thôn.
Theo Ts Bùi Lan Hương, sự khác biệt này là do các nước xác định rất rõ, phát triển du lịch nông thôn là để phát triển nông thôn. Mà nông thôn và người dân ở nông thôn vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn nhất định nên phải hướng dẫn cho nông dân- HTX, phải đầu tư cho nông thôn bằng cách ban hành những quy định, thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ cụ thể để nông dân có thể tiếp cận, có thể làm một cách thuận lợi.
Nhưng ở Việt Nam, những điều này còn chưa được quan tâm dẫn đến những cách hiểu chưa đúng của các chủ thể và cả cơ quan quản lý. Nếu hiểu du lịch nông thôn là những trải nghiệm ở nông thôn thì “phát triển du lịch nông thôn là phát triển du lịch, để đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch”. Trong đó, vai trò triển khai, thực hiện, phát triển du lịch nông thôn lại thuộc về ngành du lịch. Chính vì vậy, cả cơ quan quản lý đến các chủ thể đều đang chờ đợi các chính sách, hướng dẫn… từ ngành du lịch là chưa đúng.
Thay đổi cách hiểu
Tìm hiểu mô hình du lịch nông thôn ở các nước EU, cho thấy động cơ phát triển du lịch nông thôn là đi từ chính các địa phương. Tức là các địa phương muốn phát triển du lịch nên họ tác động, có ý kiến tham góp với ngành du lịch, ngành du lịch lại tác động lên chính phủ, từ đây, chính phủ sẽ tác động vào ngành nông thôn. Lúc này, cơ quan quản lý nông thôn sẽ triển khai, hỗ trợ người dân, HTX thực hiện các mô hình du lịch nông thôn để thu hút khách về nông thôn.
Tổ chức du lịch thế giới cũng đã có những khuyến nghị đối với các các quốc gia phát triển mô hình này là muốn phát triển du lịch nông thôn, ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần hợp tác với nhau để có những quy định, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Cụ thể là ngành nông nghiệp sẽ giúp người dân, HTX xây dựng, tổ chức các điểm đón tiếp ở nông thôn và ngành du lịch sẽ đưa ra bộ tiêu chí đánh giá. Nếu điểm du lịch nông thôn đó đạt chuẩn thì các điểm du lịch nông thôn này sẽ được đưa vào hệ thống du lịch nông thôn quốc gia.
Theo các chuyên gia, hiện du lịch nông thôn ở Việt Nam đang áp dụng theo cách này. Và nội dung 6 trong quyết định 922 cũng đã xác định sẽ hình thành bản đồ số về các điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn (giai đoạn 2021-2025).
Vì vậy, khi nào Việt Nam hoàn thiện được bản đồ số do ngành du lịch triển khai và đánh giá thì coi như hành trình du lịch nông thôn của Việt Nam đã bước qua giai đoạn đầu tiên. Sau đó sẽ tính toán tiếp đến việc kinh doanh ở các điểm đến làm sao hiệu quả. Đây là bước thứ hai trên hành trình phát triển du lịch nông thôn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Toàn, điều quan tâm ở đây là các cơ quan quản lý đặt mục tiêu đến 2025 có bản đồ số các điểm du lịch nông thôn nhưng hiện nay đã bước sang năm 2024, thời gian thực hiện việc này không còn nhiều, trong khi thực tế Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở cụ thể nào để hoàn thiện bản đồ số du lịch nông thôn.
Như vậy, những việc cần làm để phát triển du lịch nông thôn vẫn còn rất nhiều, con đường phát triển du lịch nông thôn vẫn còn rất xa. Trước thực tế này, TS Bùi lan Hương cho rằng điều quan trọng hơn là cần thay đổi tư duy, mức độ nhìn nhận, đánh giá của cả cơ quan quản lý và các chủ thể về du lịch nông thôn. Con đường phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam cũng có vai trò của ngành du lịch, dựa trên những hướng dẫn.
Những quy định, hướng dẫn, chính sách cho du lịch nông thôn cũng phải khác nhằm khai thác thế mạnh sẵn có tại các vùng nông thôn, quy mô nhỏ (hộ gia đình, trang trại, HTX), giúp các chủ thể nhỏ này phát triển du lịch một cách thuận lợi nhưng hạn chế thấp nhất tác động đến điều kiện tự nhiên, những yếu tố thế mạnh sẵn có.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCP Công nghệ phần mềm Auto Agri cho rằng, nhiều người, nhiều doanh nghiệp và cả một bộ phận người làm quản lý đang nhìn mô hình du lịch nông thôn giống như mô hình du lịch truyền thống nên chính sách, quy định đưa ra chưa phù hợp. Cụ thể như việc đăng ký một điểm du lịch truyền thống sẽ khác với điểm đến là một vườn trái cây, một vườn nông sản sạch. Khi trang trại này, vườn trái cây này là của một thành viên trong HTX thì người đứng ra chịu trách nhiệm đăng ký điểm du lịch sẽ là HTX.
Do đó, việc thay đổi tư duy sẽ giúp những người quản lý đưa ra quy định, chính sách phù hợp với thực tiễn, từ đó mới giúp HTX phát huy vai trò của mình trong xây dựng chuỗi du lịch nông thôn và giúp con đường du lịch nông thôn ở Việt Nam hạn chế chông gai.
Huyền Trang