Gỡ khó trong đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP

Gỡ khó trong đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành phong trào phát triển sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất... chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế và đầu tư cải tiến, nâng cấp các sản phẩm đặc trưng, truyền thống làng nghề trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà chỉ có thời hạn 36 tháng, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp lại. Hiện nay, việc công nhận lại sản phẩm OCOP sau khi hết hạn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần tập trung tháo gỡ.

Image removed.

Sản phẩm chè búp tím Thanh Ba (hạng 4 sao) của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT được thị trường ưa chuộng.

Tính đến nay, Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại và có cơ hội vươn ra thị trường lớn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, thực hiện có kết quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, các sản phẩm này cần phải được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại. Hết năm 2023, có 19 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên của 15 chủ thể đã hết hạn 36 tháng công nhận nhưng chỉ có 8 sản phẩm được công nhận lại, còn lại 11 sản phẩm các chủ thể không đề nghị đánh giá lại. Nguyên nhân là do một số chủ thể đang trong quá trình thay đổi logo và bộ nhận diện thương hiệu, cải tiến bao bì, nhãn mác để phù hợp với chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới; một số chủ thể không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó nữa mà chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, một số chủ thể ngại làm hồ sơ, thủ tục vì mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí nên không mặn mà với việc đề xuất đánh giá, phân hạng lại sản phẩm. Thực tế các sản phẩm OCOP hết hiệu lực chủ yếu là được công nhận từ năm 2020 theo bộ tiêu chí cũ nhưng hiện nay Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí mới với nhiều nội dung, tiêu chuẩn khắt khe hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình để đáp ứng các yêu cầu gặp khó khăn.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Phú Thọ, phấn đấu hết năm 2024 phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 79 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, lũy kế hết năm 2024 toàn tỉnh có 305 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên. Cùng với phát triển các sản phẩm mới, việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn cũng là nhiệm vụ quan trọng để vừa đảm bảo gia tăng về lượng vừa nâng cao về chất của sản phẩm OCOP.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện phát triển sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng thị trường tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiến hành rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm truyền thống, đặc trưng, sản phẩm bản địa... để phát triển sản phẩm OCOP.

Ngành Nông nghiệp chú trọng phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP; khuyến khích, hỗ trợ chủ thể về hồ sơ thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn.

Cùng với đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng chủ động tăng cường hỗ trợ hướng dẫn cho các chủ sơ sở, doanh nghiệp nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành thực thi các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP. Về phía các chủ thể cũng cần chủ động hơn trong việc đăng ký lại chứng nhận OCOP cho sản phẩm hết thời hạn; quan tâm nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường.

Nguyễn Thị Thanh Huyền

 

Nguồn
https://baophutho.vn/

Tin liên quan