Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đang là xu hướng của sản xuất nông nghiệp bền vững. Do đó, Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Xu hướng của sản xuất an toàn
Nhiều năm nay, Hơp tác xã rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Theo đó, hợp tác xã dùng tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ thủ công bằng đèn bẫy côn trùng; ủ phân từ nguyên liệu lá cây, trấu, tro bón cho cây trồng.
Sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ánh Ngọc
Giám đốc Hợp tác xã rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý Đặng Thị Cuối cho biết, toàn bộ nước tưới rau được bơm từ hệ thống giếng khoan, không bị nhiễm kim loại. Nguồn nước sạch là yếu tố cơ bản để rau sinh trưởng tốt, không độc hại cho quá trình canh tác cây trồng.
Nói về việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân quan tâm nhiều hơn đến sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc trong canh tác. Thuốc BVTV sinh học mang tính an toàn cao, ít độc đối với môi trường, mà vẫn cho năng suất, chất lượng tốt.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 99 cơ sở sản xuất thuốc BVTV đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc BVTV sinh học thành phẩm, trong đó nhiều dạng tiên tiến, an toàn cho con người. Các công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký, sản xuất và ứng dụng ở Việt Nam, như: thuốc sinh học nano, thuốc sinh học chiết xuất từ thảo mộc, thuốc sinh học chứa các vi sinh vật, có nguồn gốc virut, nguồn gốc từ tuyến trùng...
Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng trung bình trên cả nước ổn định và có xu hướng tăng từ 16,6% năm 2020 lên gần 20% năm 2023.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Sử dụng thuốc BVTV sinh học giúp tạo ra nông sản chất lượng cao, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện việc mở rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc BVTV sinh học còn hạn chế do phần lớn thuốc phải nhập từ nước ngoài; chi phí sử dụng cao, khó bảo quản so với thuốc hóa học. Ngoài ra, nhận thức của người dân về vai trò của thuốc BVTV sinh học, hiểu biết về cách sử dụng để đạt hiệu quả cao còn hạn chế.
Nhằm nhân rộng mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, sở đã đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, chú trọng nội dung về đặc tính, lợi ích của thuốc BVTV sinh học, thảo mộc để nông dân hiểu, tích cực sử dụng các chủng loại thuốc này theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện xuất khẩu.
Mặt khác, ngành nông nghiệp hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm những mô hình sản xuất sử dụng thuốc BVTV sinh học để nhân rộng diện tích sản xuất nông sản an toàn, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.
Để triển khai hiệu quả Chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đề xuất các bộ, ngành bổ sung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học; miễn giảm phí, thuế nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV sinh học. Ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, các địa phương cần ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học, đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc sinh học quy mô nông hộ.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất thuốc BVTV sinh học trong nước; tiếp tục hoàn thiện phương pháp thử, kiểm tra thuốc BVTV sinh học; nghiên cứu bài bản loại thuốc này, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân chứ không dừng ở việc thử nghiệm. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn từ nhiều thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam.
Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong Danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% so với tổng số thuốc BVTV. Tăng lượng sử dụng thuốc lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng. Nâng tỷ lệ các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV. Ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.