Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại
Theo Quyết định số 600/QĐ-UBND ban hành vào tháng 3-2023, BR-VT xác định mục tiêu chung cho ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông lâm, thủy sản của tỉnh bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 4,3%. Đồng thời, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Mô hình trồng dưa lưới Long Tân ứng dụng công nghệ cao ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.
Mục tiêu trước mắt, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành được trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tỉnh sẽ quy hoạch và xây dựng 05 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản bao gồm: vùng sản xuất hồ tiêu, vùng chăn nuôi, vùng cây ăn quả và vùng thủy sản gắn với liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích đầu tư đối với các sản phẩm chủ lực.
Nhiều chính sách thu hút đầu tư
Hệ thống nhà màng sẽ ngăn chặn được côn trùng. Ảnh: vườn rau sạch của công ty 4KFarm ở Thị xã Phú Mỹ
Để đạt được các mục tiêu trên, BR-VT đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan. Trong đó, tỉnh đang chú trọng xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên quan đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể là, triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị Quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 13-12-2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh BR-VT; triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn thực hiện theo Quyết định 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Ngoài ra, để thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm để kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiên nay, huyện Châu Đức đang có kế hoạch kêu gọi đầu tư tại các khu đất ở xã Xuân Sơn và xã Quảng Thành, từng bước hình thành Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực này.
Được biết, Sở NN&PTNT cũng đang tham mưu về tổ chức triển khai thực hiện Đề án phân khu chức năng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tiếp tục hướng dẫn, tổ chức thẩm định và tham mưu UBND tỉnh đề nghị xem xét, công nhận các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến tháng 10-2023, trên địa bàn tỉnh có 401 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại các huyện: Châu Đức, Đất Đỏ, Phú Mỹ, Xuyên Mộc với quy mô diện tích 4.919,4 héc ta. Hiện có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (tổng đàn 264.945 con heo, 1.840.000 con gà thịt, 98.000 con gà trứng, 36.000 con vịt trứng, 36.000 vịt giống, chiếm tỷ lệ 30,2% tổng đàn gia cầm và 66,2%/tổng đàn heo). Trong lĩnh vực thủy sản, có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,3 héc ta (tăng 17,15 héc ta so với cùng kỳ).