Tại sao châu Phi cần những đối tác “phi truyền thống” và quan trọng như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu lục này ngày càng tăng?
Bằng chính sách “Một vành đai, Một con đường”, Trung Quốc đang biến châu Phi thành những “con nợ” khổng lồ của Bắc Kinh. Việt Nam sẽ không như vậy.
Việt Nam chính là đất nước từng đứng lên từ c.hiến tranh và đói nghèo, tăng trưởng thần tốc, được xem là hình mẫu tuyệt vời của thế giới và “đối tác phi truyền thống” quan trọng để các quốc gia châu Phi vừa học hỏi, noi theo, vừa cùng tiến bộ.
Vì sao châu Phi cần Việt Nam?
The Africa Report vừa công bố những phân tích sắc nét xung quanh mối quan hệ “phi truyền thống” giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi.
Tác giả Musa Kpaka, cố vấn cấp cao TBI tại Sierra Leone đã đặc biệt lý giải vì sao các nước ở “lục địa mới trỗi dậy” cần đối tác quan trọng “phi truyền thống” như Việt Nam.
Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.
Phần lớn châu Phi đã và đang đối mặt với viễn cảnh kết thúc hợp tác phát triển Bắc-Nam, nơi hàng loạt nhà tài trợ phương Tây cũng như các tổ chức quốc tế cung cấp viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia trên lục địa đen.
Đã có sự tiến bộ rõ rệt đã đạt được từ hình thức hợp tác này, tuy nhiên, vẫn cần nhiều sự thay đổi cho lục địa và Việt Nam được coi như một hình mẫu phù hơp cho các nước châu Phi.
Trung Quốc đã tiếp cận các nước châu Phi qua sáng kiến “Một Vành đai – một Con đường” với sự đón nhận trái chiều.
Trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục là một phần quan trọng của hợp tác phát triển đối với châu Phi, các nhà lãnh đạo trên lục địa này đang ngày càng nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn những quan hệ đối tác “theo chiều ngang” dựa trên sự bình đẳng, tin cậy và thịnh vượng chung.
“Những gì Việt Nam đã đạt được trong hơn ba mươi năm qua và tất nhiên sẽ sớm gặt hái trong tương lai, khiến đất nước hình chữ S trở thành ứng cử viên sáng giá cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi để hợp tác vì sự thịnh vượng chung”, nhà nghiên cứu cấp cao Musa Kpaka khẳng định.
Việt Nam không giống Trung Quốc
Sự tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam phần nào bị làm bị lu mờ bởi sự phát triển vượt bậc của kinh tế Trung Quốc và phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên lục địa Châu Phi.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam đã lọt vào mắt xanh của các nhà lãnh đạo châu Phi vì họ nhìn thấy những điểm tương đồng và có cơ hội để “cùng nhau thi đua”, nỗ lực thực hiện những gì mà Việt Nam đã làm rất tốt.
Đồng thời, với tham vọng thành nước có mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đang tìm kiếm các khu vực thị trường cũng như cơ sở sản xuất mới.
Mặc dù là một nền kinh tế cực kỳ hướng về xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu chiếm 201% GDP, thương mại của Việt Nam với châu Phi còn rất hạn chế.
Việt Nam đang tìm kiếm các khu vực thị trường cũng như cơ sở sản xuất mới.
“Nếu hợp tác tốt, các quốc gia châu Phi có thể thu được nhiều lợi ích từ cách tiếp cận của Việt Nam đối với châu lục này”, báo cáo khẳng định.
Đặc biệt, không giống như Trung Quốc, Việt Nam khó có thể trở thành một nguồn viện trợ tài chính hoặc các khoản cho vay khác cho các chính phủ châu Phi.
“Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của châu Phi, cung cấp các khoản vay được sử dụng đặc biệt để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn”, báo cáo nhắc lại.
Có thể đánh giá rằng, nhiều khoản đầu tư này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua lại các mặt hàng thô (than, khoáng sản, nguyên liệu…) để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, việc chuyển giao công nghệ thực tế là rất hạn chế hoặc không tồn tại trong các cam kết giữa Trung Quốc với các nước châu Phi.
“Với Việt Nam – câu chuyện hoàn toàn khác. Việt Nam đang mang đến cơ hội học hỏi và phát triển chung. Chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin và cùng học, cùng làm là một phần tích cực những gì Việt Nam có thể đề xuất, qua đó mang lại lợi ích cho châu Phi”, chuyên gia Musa Kpaka nói.
Châu Phi cần tận dụng cơ hội vàng
Chuyên gia khuyến nghị, để tận dụng lợi thế này, chính phủ các nước châu Phi đang tìm kiếm quan hệ đối tác với Việt Nam nên tham gia với sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị ở cấp cao nhất nhằm hướng tới hợp tác lâu dài.
Mọi thỏa thuận hợp tác phải dựa trên các lợi ích chung đã được xác định, với các trách nhiệm rõ ràng.
Chuyên gia Kpaka cũng cho rằng, quan hệ đối tác chính thức nên vượt ra ngoài quan hệ giữa Chính phủ với Chính phủ, nên tập trung kêu gọi mở rộng các tác nhân quan trọng như hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, vì chính những quan hệ mới có thể thành động lực thúc đẩy thay đổi mang tính đột phá.
Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio là nhà lãnh đạo châu Phi mới nhất tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam, như báo chí đã cập nhật trước đó.
Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio
Chứng kiến Việt Nam chuyển mình từ một nước nhập khẩu gạo ròng (nghèo đói, thiếu lương thực) thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và tham vọng tự cung cấp lương thực cho Sierra Leone, Tổng thống Bio đã lấy nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản làm cơ sở để hai bên tăng cường hợp tác.
Hai nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về chính trị và kinh tế, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Việt Nam sẽ giúp Sierra Leone không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn có thể trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển.
Trong các thỏa thuận này, Sierra Leone sẽ được hưởng lợi từ sự tư vấn của chuyên gia và chuyển giao công nghệ, trong khi Việt Nam sẽ có cơ hội sản xuất, chế biến cá, thủy sản và gạo từ Sierra Leone. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa năng suất, sản lượng thời gian tới.
Đặc biệt hơn, chính Sierra Leone cũng có thể biến mối quan hệ song phương với Việt Nam thành mối quan hệ ba bên, nơi các nguồn tài trợ phương Tây hoặc thậm chí các khoản đầu tư của Trung Quốc được sử dụng để tài trợ cho các dự án chung với các chuyên gia Việt Nam.
Phái đoàn của Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio trong chuyến thăm Việt Nam gần đây cũng bao gồm nhiều đại diện lãnh đạo khu vực kinh tế tư nhân. Họ sẽ là các bên tham gia ở cấp độ doanh nghiệp và chia sẻ trách nhiệm duy trì lợi ích từ hợp tác giữa Việt Nam và Sierra Leone.
“Mô hình hợp tác cùng phát triển toàn cầu đang thay đổi và châu Phi cần những đối tác phi truyền thống để học hỏi và cùng tiến bộ. Việt Nam chính là một trong những đối tác quan trọng như vậy”, chuyên gia tư vấn cấp cao Musa Kpaka kết luận.
Huy Hoàng (Tổng hợp)