Triển vọng 2 giống chuối mới

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc công nhận giống chuối mới C1.22 và C2.22 chính là con đường đi tắt đón đầu về công nghệ nhằm thúc đấy ngành hàng chuối phát triển.

Image removed.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 4 từ phải sang) tham quan mô hình trồng giống chuối C1.22 và C2.22 tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Tuấn Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa tham quan mô hình trình diễn giống chuối C1.22 và C2.22 tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Mô hình do Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) chủ trì triển khai, đơn vị thực hiện mô hình là Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc.

Chịu rét tốt, chưa bị nhiễm bệnh virus

Theo Viện Di truyền Nông nghiệp, Việt Nam là nước nằm trong trung tâm phát triển cây chuối với nguồn gen phong phú. Trong đó có nhiều giống tốt như chuối tiêu Phú Thọ, tiêu hồng, chuối già hương, chuối Laba…

Mặc dù vậy, năng suất chuối nước ta còn rất thấp so với nhiều nước xuất khẩu trên thế giới. Mặt khác, các công trình nghiên cứu về chuối còn ít và chỉ tập trung chủ yếu vào thu thập, đánh giá nguồn gen, cùng một số biện pháp kỹ thuật canh tác như phân bón, mật độ, phòng trừ dịch hại và nhân giống cho chuối tiêu.

Công tác nghiên cứu tuyển chọn giống chuối chưa được quan tâm đúng mức cũng là nguyên nhân khiến chất lượng chuối chưa đồng đều. Công tác tạo giống chuối, đặc biệt là các giống chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết, chống chịu sâu bệnh, trong đó có bệnh do virus trên chuối chưa được tiến hành.

Image removed.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao giống chuối C1.22 và C2.22. Ảnh: Tuấn Anh.

Đây là bước đi còn chậm trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chuối so với các nước trên thế giới khi mà sản lượng chuối trong nước ngày càng lớn.

Trước nhu cầu cấp bách trong việc tạo ra giống chuối chất lượng cao, từ tháng 4/2022, Viện Di truyền Nông nghiệp đã nghiên cứu, đưa giống chuối mới nhập nội C1.22 và C2.22 vào trồng thử nghiệm tại vườn sản xuất của Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc ở huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) và huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai).

Theo đánh giá khảo nghiệm bước đầu, cơ bản C1.22 và C2.22 sinh trưởng, phát triển tốt. Cụ thể, một số chỉ tiêu sinh trưởng của 2 giống C1.22 và C2.22 có nhiều điểm vượt trội so với giống đối chứng. Cùng với đó, 2 giống này có khối lượng buồng cao, số nải trên buồng cũng như chiều dài và đường kính quả lớn hơn so với giống đối chứng. Do vậy, chỉ tiêu năng suất của 2 giống này cũng cao hơn so với đối chứng, đạt 65.800kg/ha và 62.400kg/ha.

Ngoài ra, 2 giống này có khả năng chịu rét và đều có khả năng phục hồi sau rét khá nhanh. Trong điều kiện thí nghiệm, cả 2 giống C1.22 và C2.22 chưa bị hại bởi hạn và nắng nóng.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, C1.22 và C2.22 chưa nhiễm những bệnh virus, bệnh chùn đọt chuối hay tuyến trùng và chỉ bị nhiễm bệnh đốm lá, sâu hại nhẹ với tỷ lệ gây hại dưới 5%.

Image removed.

Giống chuối C1.22 và C2.22 được đánh giá sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước những triển vọng của giống chuối C1.22 và C2.22, Viện Di truyền Nông nghiệp đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí cho đơn vị thực hiện xây dựng mô hình đánh giá 2 giống này ở các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Gia Lai và một số địa phương khác. Từ đó, đánh giá khảo nghiệm, nếu đạt chất lượng sẽ mở rộng sản xuất ra các vùng trên cả nước.

Sớm công nhận giống chuối C1.22 và C2.22

Tham quan mô hình, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao mô hình vườn chuối C1.22 và C2.22 do Viện Di truyền Nông nghiệp chuyển giao thực hiện. Đây là các giống chuối có tiềm năng, lợi thế rất lớn.

Với tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong quy hoạch của tỉnh sẽ phát triển khoảng 50 - 60 nghìn ha chuối nhưng hiện mới chỉ có 10 nghìn ha.

Như vậy, kết quả nghiên cứu khảo nghiệm giống chuối C1.22 và C2.22 được công nhận sẽ là nguồn di truyền rất quan trọng để phát triển ngành hàng chuối ở Gia Lai cũng như cả nước. Chuối của Việt Nam hiện xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới, trong đó chú trọng thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dù các thị trường rất khó tính nhưng chuối của Việt Nam vẫn đạt được những tiêu chí để xuất khẩu bền vững.

Image removed.

Viện Di truyền Nông nghiệp và Công ty Việt Phúc cần tiến hành nhanh các thủ tục để giống chuối C1.22 và C2.22 sớm được công nhận. Ảnh: Tuấn Anh.

Thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao Viện Di truyền Nông nghiệp trong nhiều năm qua đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai khảo, thử nghiệm, đánh giá được rất nhiều giống cây trồng phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao nói chung, đặc biệt cho tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên.

“Chuối đang là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua. Chính vì vậy, sau khi giống chuối C1.22 và C2.22 được công nhận, chúng ta sẽ nhanh chóng nhân rộng ra các tỉnh Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Đề nghị Viện Di truyền Nông nghiệp và Công ty Việt Phúc tiến hành nhanh các thủ tục để giống chuối sớm được công nhận. Đây chính là con đường đi tắt đón đầu về công nghệ giống mới, qua đó thúc đấy ngành hàng chuối phát triển ở mức cao hơn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Tuấn Anh

Nguồn
https://nongnghiep.vn/

Tin liên quan