Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong 4 nhiệm vụ đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng cho lợi nhuận tốt tại huyện Long Thành. Ảnh: B.Nguyên
Theo đó, nông nghiệp CNC ngày càng được ứng dụng rộng rãi, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng phát triển. Đạt được kết quả trên nhờ Đồng Nai đã quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng đầy đủ cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ.
Đầu tư đồng bộ về hạ tầng
Toàn tỉnh có 8 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô gần 1,6 ngàn hécta về sản phẩm lúa, xoài, bưởi, sầu riêng tại các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú. Toàn tỉnh có hơn 885,5 hécta diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt gần 0,5% trên tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh cũng hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô 1.555 hécta. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với diện tích gần 29 hécta.
Thời gian qua, kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp theo hướng hữu cơ được quan tâm đầu tư, cơ bản đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, chế biến, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, hệ thống giao thông nội đồng, điện sản xuất, thủy lợi được chú trọng đầu tư. Hiện nay, 805km đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, đạt tỷ lệ 100%.
Giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, sửa chữa nâng cấp 9 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 740,55 tỷ đồng, góp phần tăng thêm diện tích tưới 750 hécta, cấp nước thô tăng thêm 12.150m3/ngày đêm. Trong đó có 4 công trình xây dựng mới; 5 công trình sửa chữa, nâng cấp. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 139 công trình thủy lợi đang hoạt động, phục vụ tưới, tiêu cho 25.694 hécta. Tổng diện tích cấp nước tưới, tiêu, ngăn mặn cả năm là 61.924 hécta. Bên cạnh đó, khoảng 78.943 hécta cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chiếm gần 49% so với diện tích có nhu cầu tưới và các công trình tích trữ nước có dung tích nhỏ được người dân đầu tư để phục vụ sản xuất trong mùa khô.
Hệ thống lưới điện trung, hạ thế cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã đầu tư 9 công trình lưới điện nông thôn tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với 37 hạng mục, khối lượng đường dây trung thế đưa vào sử dụng gần 33,5km và nâng cấp hơn 5,2km từ điện 1 pha lên 3 pha, xây dựng 47 trạm biến áp. Tại các vùng sản xuất tập trung, các địa phương đã bố trí hơn 1,4 ngàn hố thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải được địa phương hợp đồng với đơn vị được cấp phép xử lý chất thải nguy hại xử lý tiêu hủy tại các lò đốt chuyên dụng.
Tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt gần 113,7 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 44% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng hơn 31,4% so với tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Trong đó có hơn 14,4 ngàn tỷ đồng dư nợ không phải đảm bảo bằng tài sản.
Thuận lợi về chính sách hỗ trợ
Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách đặc thù về hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được tỉnh ban hành kịp thời và đồng bộ, được triển khai lồng ghép thông qua các chính sách, chương trình, đề án, dự án được Chính phủ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành như: chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 198/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ liên kết sản xuất theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ khuyến nông theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, các chính sách quy định rõ điều kiện, định mức, nội dung hỗ trợ và được các sở, ngành ban hành hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận. Trong đó, cụ thể các quy định hỗ trợ về ứng dụng CNC như: hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng CNC, mức hỗ trợ 40% tổng giá trị mô hình, không quá 1 tỷ đồng/mô hình; hỗ trợ một lần 100% kinh phí chứng nhận GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), hữu cơ; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hỗ trợ 40% kinh phí áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (không quá 20 triệu đồng/hệ thống); hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng; hỗ trợ phí thực hiện truy xuất nguồn gốc và quảng cáo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...
Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC do UBND tỉnh công nhận được tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo Luật Công nghệ cao và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: ưu đãi tối đa về đất đai, miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đề tài nghiên cứu khoa học (không quá 0,3 tỷ đồng/đề tài), hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ áp dụng công nghệ mới, CNC, sản xuất sản phẩm mới (không quá 1 tỷ đồng/dự án)...
Thông qua cơ chế, chính sách, chương trình, dự án được tỉnh ban hành, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 22 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 921 trang trại và hộ nông dân tham gia liên kết. Tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ hơn 63,8 tỷ đồng, đã giải ngân kinh phí hỗ trợ 10,3 tỷ đồng. Hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất GAP cho các tổ chức, cá nhân với số tiền 6,15 tỷ đồng với diện tích hỗ trợ 800,7 hécta. Hỗ trợ 95 đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như: xoài Phú Lý, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa...
Bình Nguyên