Sản xuất nông nghiệp nhà lưới, nhà màng, hướng phát triển bền vững tại Lai Châu

Tăng hệ số sử dụng đất, giảm thiểu sâu bệnh hại cây trồng và cho ra thị trường các sản phẩm sạch, chất lượng, đó là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng nhà màng, nhà lưới. Hiệu quả của mô hình này đang là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp tại Lai Châu và được kỳ vọng sẽ mở ra một tương lai mới cho người nông dân ở tỉnh biên giới này.

Gia đình anh Nguyễn Đình Tuyên, ở khu phố 1, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (Lai Châu) là một trong những hộ tiên phong ở địa phương trong chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nhà màng công nghệ cao. Từ diện tích hơn 4.000m2 đất dốc bạc màu sản xuất kém hiệu quả, năm 2021 gia đình anh đã đầu tư nhà màng và chuyển đổi sang trồng dưa lưới. Hiệu quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao này đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, mỗi năm cho thu nhập sau chi phí khoảng 200 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.

Anh Tuyên chia sẻ: "Gia đình tôi đã thực hiện trồng các sản phẩm nông nghiệp trong hệ thống nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Các sản phẩm chủ lực của gia đình vẫn là canh tác các loại dưa như: dưa lưới vàng, dưa lê và hiện tại chúng tôi cũng đã thử nghiệm trồng một số giống dưa mới và được thị hiếu người tiêu dùng đón nhận. Hiệu quả kinh tế của việc canh tác trong nhà lưới, nhà màng so với hiệu quả trên diện tích đất canh tác tăng gấp nhiều lần so với hình thức canh tác truyền thống".

Image removed.

Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất từ nhà màng, nhà lưới được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao về chất lượng

Cũng như gia đình anh Tuyên, từ hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất nông nghiệp bằng nhà lưới, nhà màng, đến nay nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Tân Uyên đã chuyển sang áp dụng mô hình này. Các mô hình đều mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với loại hình sản xuất nồng nghiệp truyền thống và các sản phẩm đều được thị trường đón nhận.

Ông Vũ Hoàng Mạnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, tại thị trấn Tân Uyên  cho biết, từ diện tích chè lâu năm, cây già cỗi, kém hiệu quả, công ty đã đưa vào trồng thử nghiệm dưa lưới I Chi 3 của Nhật Bản. Sau hai vụ trồng, diện tích thử nghiệm đã cho hiệu quả kinh tế bước đầu cao hơn nhiều so với cây chè. Hiện công ty cũng đã nghiên cứu để chuyển đổi hơn 10.000m2 đất chè kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn quả theo mô hình nhà màng và được cổ đông đồng tình ủng hộ.

"Trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty vài năm qua đổ về đây cũng đã có chương trình, mong muốn chuyển đổi một số diện tích cây chè kém hiệu quả sang trồng một số cây khác như cây ăn quả và làm một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Năm vừa rồi chúng tôi cũng đã trồng 3.000m2 nhà màng để trồng các loại cây ngắn ngày. Chúng tôi đánh giá nhận định ban đầu là mang lại hiệu quả, thứ nhất là tốt hơn cây chè và thị trường thấy rất là khả quan" - ông Mạnh chia sẻ.

Image removed.

Mô hình sản xuất nông nghiệp nhà màng, nhà lưới đang phát triển rộng khắp tại nhiều địa phương ở Lai Châu

Tân Uyên là địa phương có nền nông nghiệp phát triển của tỉnh Lai Châu, đa dạng về chủng loại cây trồng, trong đó diện tích sản xuất chè chiếm hơn 70% đất nông nghiệp. Dù có điều kiện thuận lợi về địa hình đất đai bằng phẳng, nhưng giá trị kinh tế của các loại cây trồng sản xuất theo phương thức cũ mạng lại hiệu quả kinh tế không cao.

Để người nông dân làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ vừa qua cấp ủy, chính quyền huyện Tân Uyên đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó địa phương lựa chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà màng, nhà lưới là hướng chủ đạo, giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Văn, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: báo cáo của cơ quan quản lý cũng như các hộ dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn cho thấy hiệu quả rõ rệt so với loại hình sản xuất truyền thống. Ưu điểm của nhà màng, nhà lưới là ngăn chặn được sự gây hại của côn trùng, tránh được điều kiện bất lợi của môi trường.

Người sản xuất dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học, nên cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Image removed.

Sản phẩm dưa vàng và nhiều sản phẩm sản xuất từ nhà màng, nhà lưới tại Tân Uyên (Lai Châu) đã có mặt ở hệ thống siêu thị trong nước

Theo ông Văn: "Huyện đã tổ chức các đoàn đi tham quan ở khu vực miền Nam, miền Bắc để xem các địa phương người ta phát triển nhà màng như thế nào. Sau khi xác định rồi huyện đã triển khai mô hình đầu tiên của huyện là nhà màng 1.000m2 để triển khai trồng thử và thấy rằng có hiệu quả. Và huyện đã vận động các đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện có tiềm năng về kinh tế đứng ra để xây dựng các nhà màng, nhà lưới này. Huyện Tân Uyên ở khu vực thị trấn hiện nay đã có 4 nhà màng và khu vực Pắc Ta khoảng 2ha".

Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sản xuất theo mô hình nhà lưới, nhà màng như: Cà chua baby, cà chua socola, dưa lưới, dưa lê, ớt chuông, trong đó sản phẩm dưa lưới vàng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Đến nay nhiều loại quả đã có mặt tại hệ thống siêu thị trong cả nước, được thị trường, người tiêu dùng đón nhận và mang lại việc làm cũng như thu nhập cao cho người nông dân. Đây là tiền đề để huyện Tân Uyên, cũng như nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, để tạo ra các sản phẩm nông nghiêp đặc trưng của địa phương.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

 

Nguồn
https://vov.vn/

Tin liên quan